Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch … thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, mỗi người dân cần chủ động quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

1.Bệnh cúm mùa là gì?
      Bệnh cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm ví dụ cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh  ho, khạc, hắt hơi.

2. Đường lây, thời gian lây bệnh?
      Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi rút cúm từ người bệnh thông qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi trong thời gian từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

3. Dấu hiệu của cúm mùa là gì?
     – Sốt (trên 38 độ)
     – Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi
     – Hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi
     – Ho (ho khan hoặc ho có đờm), đau họng
     – Một số người có biểu hiện nôn, buồn nôn…
     – Trường hợp nặng: bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi, suy hô hấp …và có thể dẫn đến tử vong.

4. Các biện pháp phòng chống
a. Tăng cường vệ sinh cá nhân
      – Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc chạm tay lên mắt và mũi.
      – Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để giảm phát tán dịch theo đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt khăn thật sạch bằng xà phòng.
      – Không khạc nhổ bừa bãi.
b. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh
      – Tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bị bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế.
      – Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp khi có dịch.
c. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh
      – Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Nên tiêm vắc- xin hàng năm để phòng cúm mùa. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm phòng cúm mùa cho các đối tượng sau:
      + Phụ nữ mang thai ở bất kì giai đoạn nào của thai kì
      + Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
      + Người cao tuổi (trên 65 tuổi)
      + Người mắc bệnh mãn tính
      + Nhân viên y tế
      –  Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, mắt (bằng dung dịch Natriclorid 0,9%), họng (súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ hoặc nước muối pha loãng ở nhà).
      – Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn 70 độ…
      – Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể.

5. Làm gì khi có biểu hiện nghi mắc cảm cúm?
      – Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
      – Nếu bản thân có các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm như trên thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
      – Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *