Thuật ngữ Hội chứng hậu COVID-19 đã trở nên quen thuộc với nhân viên y tế và cả người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay định nghĩa về Hội chứng hậu COVID-19 vẫn chưa thống nhất. Về cơ bản, COVID-19 được chia thành 3 giai đoạn:
- COVID-19 cấp tính là triệu chứng và biểu hiện COVID-19 trong vòng 4 tuần
- COVID-19 bán cấp, COVID tiếp diễn là các triệu chứng và biểu hiện bệnh COVID-19 liên tục trong thời gian 4-12 tuần từ khi nhiễm bệnh
- COVID-19 kéo dài, COVID mạn tính, hậu COVID (chronic COVID, long COVID, post-COVID) là các triệu chứng và biểu hiện kéo dài hơn 12 tuần sau khi nhiễm bệnh mà các triệu chứng này không do các bệnh lý khác gây ra.
Hội chứng hậu COVID-19 chiếm tỉ lệ khá cao, từ 32,6 đến 87,4%. Trong khi đó, gần 14% những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 nói chung mắc di chứng hậu COVID-19. Tùy mức độ nặng/nhẹ trong quá trình nhiễm COVID-19 mà các triệu chứng kéo dài sẽ biểu hiện khác nhau. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hậu COVID-19.
Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những người bệnh đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ; khó thở; ho kéo dài; mệt mỏi; đau cơ, đau khớp; rụng tóc; xơ phổi; tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực; rối loạn nội tiết; tắc mạch máu do hình thành cục máu đông… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, ngứa, phát ban…
Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.
Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn và các biểu hiện bệnh lý hậu COVID cũng có thể đa dạng hơn.

Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nặng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh do đáp ứng miễn dịch hệ thống. Các biểu hiện hậu COVID cũng có thể thầm lặng, ít các triệu chứng nhưng có thể phát hiện sớm qua các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò chức năng.
Khỏi bệnh nhưng vẫn cần chăm sóc sức khỏe!
Khỏi COVID-19 người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ.
▪ Tập thở: Hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.
▪ Tập thể dục: Hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Tập theo các chương trình thể dục trên đài truyền hình mỗi sáng lúc 5 giờ, nếu tự tập phải đảm bảo 30 phút hàng ngày.
▪ Đi bộ: Đi bộ đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày và 3 ngày/tuần, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe
▪ Dinh dưỡng đúng: Nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung Kali. Nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hàu, nghêu sò…
▪ Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.
Nguồn tin: Tổng hợp
Biên soạn: TS.BS Hoàng Văn Thuấn - Bộ môn YHGĐ Trường ĐHY Dược Thái Bình
& Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện ĐHYTB