Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong số đó, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như: Cúm gia cầm (A/H1N1, A/H7N9,...), bệnh dại, sốt xuất huyết, các bệnh viêm não - viêm màng não, liên cầu lợn, bệnh giun sán,... ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế xã hội.
Thời gian giao mùa giữa xuân - hè, thời tiết ẩm ướt cùng với tập quán chăn nuôi, buôn bán và giết mổ quy mô hộ gia đình chưa được kiểm soát triệt để là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm trên người có nguồn gốc động vật lây lan và gây bệnh trên người.
Ngoài ra, việc buôn bán động vật hoang dã hay động vật nuôi (chó, mèo, gia súc, gia cầm) xuyên biên giới cũng ngày một gia tăng. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi hầu hết các thương vụ đều trái pháp luật nên không có kiểm dịch, giám sát, làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh.

Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm từ động vật, bệnh truyền qua thực phẩm sang người, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình khuyến cáo người dân cần thực hiện:
- Luôn giữ vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với động vật, hay môi trường đất, nước bên ngoài, trước và sau khi chăm sóc người bệnh…; không khạc nhổ bừa bãi, khi ho hay hắt hơi phải dùng tay, khăn che miệng rồi rửa tay, giúp phòng tránh phát tán bệnh nếu có.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi… để tránh các mầm bệnh đơn bào ký sinh hay giun sán ký sinh.
- Phải luôn ngủ màn nếu bạn ở vùng dịch sốt rét hay sốt xuất huyết, phòng tránh côn trùng đốt, hay các loài động vật khác cào, cắn…
- Tiêm chủng cho thú nuôi, vệ sinh lồng, chuồng hàng ngày.
- Với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì động vật nuôi phải được tiêm vắc-xin phòng dịch, chuồng trại phải ở khu riêng. Tổ chức diệt chuột, ruồi, muỗi và các vật chủ trung gian truyền bệnh khác.
- Không ăn, uống hoặc chạm vào mắt, miệng của bạn khi đã chạm hoặc tiếp xúc gần với các động vật khác, đặc biệt là gia súc, gia cầm.
- Sử dụng găng tay nếu bạn cần chăm sóc vật nuôi có biểu hiện bị ốm.
- Không tiếp cận hoặc chạm vào động vật hoang dã mà không có biện pháp đề phòng. Không ăn uống, tiêu thụ động vật hoang dã.
- Tăng cường sức đề kháng bản thân qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể dục, thể thao, sinh hoạt lành mạnh.
- Định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho cả người lớn và trẻ em. Nên tẩy giun cho mọi thành viên trong gia đình cùng một lúc nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các thành viên.
- Luôn tuân theo các chỉ thị của cơ quan chức năng khi có dịch bệnh truyền nhiễm.
- Luôn cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt là khi bạn sử dụng các phương tiện công cộng, tham gia các hoạt động cộng đồng.
- Một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như: bệnh cúm, bệnh viêm não - viêm màng não, bệnh dại,… đã có vắc xin phòng bệnh, người dân nên chủ động đi tiêm phòng./.
Tác giả bài viết: phòng Công tác xã hội - BVĐHYTB