Ngay sau khi có kết ban đầu, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải tại Marseille, Pháp (IHU) đã tiến hành nghiên cứu điều trị nội trú cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 (khi không có chống chỉ định) bằng Hydroxychloroquine (Plaquenil) uống ngày 3 lần, mỗi lần 200mg trong 10 ngày, kết hợp với Azithromycin ngày đầu 500mg, 4 ngày sau mỗi ngày 250mg. Nếu bệnh nhân có viêm phổi thì kết hợp thêm kháng sinh phổ rộng như Ceftriaxone. Tất cả các bệnh nhân phải được làm điện tâm đồ trước khi bắt đầu điều trị. Ngoài điện tâm đồ, điện giải đồ, đặc biệt là Kali máu được làm hàng ngày để theo dõi. Trong những trường hợp đặc biệt, xét nghiệm đo nồng độ thuốc Plaquenil trong máu cũng được thực hiện để điều chỉnh liều phù hợp. Kết quả điện tâm đồ đều được phân tích bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Nếu khoảng QT > 500 ms bệnh nhân sẽ bị chống chỉ định điều trị từ ban đầu hoặc ngừng thuốc khi đang điều trị. Việc điều trị được cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi QT từ 460 đến 500 ms. Ngoài ra, bất kỳ loại thuốc nào có khả năng kéo dài khoảng QT cũng bị tạm ngưng trong suốt quá trình điều trị. Bệnh nhân được theo dõi xét nghiệm PCR, dịch mũi họng hàng ngày. Ngoài ra nuôi cấy virus cũng được thực hiện để xác định khả năng lây nhiễm của bệnh nhân.
Ngày 27/3/2020 vừa qua, Giáo sư Raoult và cộng sự tiếp tục công bố kết quả nghiên cứu trên website của Viện, trước khi gửi đăng trên tập san khoa học chính thức [2]. Nghiên cứu này quan sát mô tả trên 80 bệnh nhân được điều trị bằng Plaquenil kết hợp với Azithromycin. Kết quả cho thấy có 81.2% bệnh nhân được ra viện với kết quả xét nghiệm virus bằng phương pháp PCR âm tính. Chỉ có 1 bệnh nhân 86 tuổi tử vong và 1 bệnh nhân 74 tuổi phải điều trị hồi sức do đến viện muộn, tổn thương phổi nặng. 83% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR âm tính sau 7 ngày và 93% bệnh nhân âm tính ở ngày thứ 8 sau khi điều trị. Kết quả nuôi cấy cho thấy 97.5% bệnh nhân có kết quả nuôi cấy virus âm tính sau 5 ngày điều trị. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ngoại trừ một trường hợp có biểu hiện nhìn mờ phải dừng thuốc sau 5 ngày điều trị (đã âm tính với virus) và 4 trường hợp tiêu chảy.
Theo kết quả nghiên cứu, Bộ y tế Pháp đã cho phép điều trị SARS-CoV-2 bằng Plaquenil kết hợp với Azithromycin cho bệnh nhân điều trị nội trú, dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Trong nhóm nghiên cứu về phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, ngoài các giáo sư, bác sĩ người Pháp còn có một bác sĩ trẻ người Việt Nam, bác sĩ Hoàng Văn Thuấn - giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Bác sỹ Thuấn tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 2012 tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Từ năm 2012 đến 2014 BS Thuấn đạt học bổng thạc sĩ của Pháp về chuyên ngành Tropical medicine and International health. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, BS Thuấn có 1 năm học nội trú tại Bệnh viện Bichat, Paris Pháp. Từ năm 2017 BS Thuấn được nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của Pháp và học tập, nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải tại Marseille Pháp (University Hospital Institute – Miditerranean Infection Foudation, Marseille, France - IHU). Tại đây, BS Thuấn đã tích cực tham gia cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu về điều trị SARS-CoV-2 và đã có kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa trong phòng và chống dịch bệnh Covid trên toàn cầu. BS Thuấn là một gương mặt trẻ tiêu biểu của thế hệ du học sinh Việt Nam tại Pháp. Trong khoảng thời gian hơn 3 năm, từ năm 2017 đến nay BS Thuấn đã có trên 20 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực y sinh học (trong đó 12 bài là tác giả đứng đầu). 4 trong số các bài báo công bố là nghiên cứu liên quan đến SARS-CoV-2 được xuất bản ngay trong những tháng đầu năm 2020. Năm 2019 BS Thuấn đã đạt Giải thưởng sinh viên xuất sắc UEVF 2019 của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp. Kết quả này là sự cố gắng miệt mài của BS Thuấn cùng với sự hỗ trợ của các giáo sư chuyên ngành tại Pháp, các đồng nghiệp trong Labo tại Viện nghiên cứu IHU.
Ngoài việc học tập, nghiên cứu, BS Thuấn còn là cầu nối giữa Viện nghiên cứu IHU và trường Đại học Y Dược Thái Bình. Trong thời gian tới, Viện nghiên cứu IHU sẽ giúp Nhà trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi cán bộ, sinh viên giữa 2 đơn vị. Đây là một động lực lớn giúp cho đội ngũ cán bộ trẻ Nhà trường cố gắng học tập, trau dồi tri thức, từ đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải tại Marseille, Pháp (IHU)
Các bài báo liên quan
[1]. Gautret P, Lagier JC, Parola P, Hoang VT, Meddeb L, Mailhe M, et al. Hydroxychloroquine and azithromycin as a treatment of COVID-19: results of an open-label non-randomized clinical trial. Int J Antimicrob Agents. 2020 Mar 20:105949. doi: 10.1016/j.ijantimicag.2020.105949.
[2]. Gautret P, Lagier JC, Parola P, Hoang VT, Meddeb L, Sevestre J, et al. Clinical and microbiological effect of a combination of hydroxychloroquine and azithromycin in 80 COVID-19 patients with at least a six-day follow up: an observational study (preprint).
https://www.mediterranee- infection.com/wp-content/uploads/2020/03/COVID-IHU-2-1.pdf
[3].
https://www.worldometers.info/coronavirus/country/france/. Truy cập 22h30 ngày 31 tháng 03 năm 2020
[4].
https://www.mediterranee-infection.com/covid-19/. Truy cập 22h30 ngày 31 tháng 03 năm 2020